Trang chủ Tin tức Tổng hợp quy định về thuế xuất nhập khẩu

Tổng hợp quy định về thuế xuất nhập khẩu

Bởi: ecus.net.vn - 23/08/2024 Lượt xem: 126 Cỡ chữ tru cong

Xuất nhập khẩu là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu cũng như là khía cạnh đặc biệt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Bài viết này sẽ tổng hợp các quy định về thuế xuất nhập khẩu và giải đáp các câu hỏi liên quan đến nguyên tắc, đối tượng áp dụng luật thuế xuất nhập khẩu và thẩm quyền ban hành các quy định đó. 

 

Quy định liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu

Những nghị định và bộ luật về thuế xuất nhập khẩu

 

1. Quy định về thuế xuất nhập khẩu có trong những bộ luật nào?

 

Quy định về thuế xuất nhập khẩu tại Việt Nam được quy định trong một số văn bản pháp luật chính như sau:

 

- Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 là văn bản chính quy định về các loại thuế áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu hiện hành mới nhất. Bên cạnh đó, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016 được hướng dẫn bởi các công văn, nghị định như:

 

+ Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

+ Công văn 12166/BTC-TCHQ: Bộ Tài Chính gửi Cục hải quan về việc thống nhất triển khai thực hiện các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

+ Công văn 12167/BTC-TCHQ: Triển khai thực hiện các quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu kèm danh sách các cán bộ triển khai thực hiện.

 

+ Quyết định 15/2023/QĐ-TTg: Quy định về việc áp dụng thuế suất thông thường đối cho hàng hóa nhập khẩu.

 

Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

 

+ Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và các mức thuế.

 

- Luật Hải quan 2014: Quy định về quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và các hoạt động khác liên quan đến hải quan.

 

- Luật Quản lý thuế 2019: Quy định về quản lý thuế, trong đó bao gồm cả quản lý thuế xuất nhập khẩu.

 

- Hiệp định thương mại tự do (FTA): Các hiệp định quy định các mức thuế suất ưu đãi và các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực đối tác.

 

>> Tham khảo: Thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại chỗ.

 

Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu

Hàng hóa chịu thuế xuất nhập khẩu khi nào?

 

2. Đối tượng áp dụng quy định về thuế xuất nhập khẩu

 

Dựa trên thông tin tại Điều 2, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, đối tượng chịu thuế và không phải chịu thuế xuất nhập khẩu được quy định như sau:

 

2.1. Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu theo quy định

 

Theo quy định tại Khoản 1-3, Điều 2, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, đối tượng chịu thuế xuất khẩu và nhập khẩu bao gồm:

 

- Hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu, biên giới của Việt Nam.

 

- Hàng hóa được nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước hoặc từ từ thị trường trong nước xuất khẩu vào khu phi thuế quan.

 

- Hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất nhập khẩu và phân phối.

 

Khu phi thuế quan được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 2, Quyết định 100/2009/QĐ-TTg như sau: Khu phi thuế quan là khu vực có ranh giới được xác định, có hàng rào cứng ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài, có cổng và cửa ra vào để đảm bảo cho điều kiện kiểm soát của cơ quan Hải quan và cơ quan chức năng có liên quan. Khu phi thuế quan sẽ có cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hóa và phương tiện ra vào.

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

 

2.2. Các trường hợp không phải chịu thuế xuất nhập khẩu

 

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 2, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, các đối tượng sau không phải chịu thuế xuất nhập khẩu:

 

- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển.

 

- Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại.

 

- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;

 

- Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.

 

Ngoài ra, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về đối tượng chịu thuế trong các trường hợp cụ thể.

 

>> Tham khảo: Điều kiện giao hàng DAP là gì trong xuất nhập khẩu?

 

Biểu thuế xuất nhập khẩu

Cơ sở ban hành biểu thuế xuất nhập khẩu.

 

3. Nguyên tắc ban hành các quy định về thuế xuất nhập khẩu

 

Căn cứ quy định Điều 10, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất xuất nhập khẩu gồm có:

 

- Chính phủ khuyến khích việc nhập khẩu các nguyên vật liệu, ưu tiên các loại nguyên vật liệu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Linh vực chú trọng phát triển là công nghệ nguồn, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

 

- Ban hành biểu thuế, thuế xuất nhập khẩu phù hợp với định hướng của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phù hợp với các cam kết trong các Điều ước quốc tế (nước ta là thành viên) về thuế xuất nhập khẩu.

 

- Giúp đóng góp vào việc bình ổn của thị trường và các nguồn thu ngân sách Nhà nước.

 

- Minh bạch, đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thuận lợi cho việc cải cách các thủ tục hành chính về thuế.

 

- Đồng bộ thống nhất mức thuế suất của hàng hóa có cùng cấu tạo, công dụng,  bản chất và tính năng tương đồng. Đồng bộ thống nhất mức thuế suất của hàng hóa có cùng cấu tạo, công dụng, bản chất và tính năng tương đồng.

 

- Thuế suất của các sản phẩm nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô sản phẩm đến đã thành phẩm. Thuế suất của các sản phẩm xuất khẩu giảm dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.

 

>> Tham khảo: Những điều cần biết khi ủy thác xuất nhập khẩu.

 

4. Thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất trong xuất nhập khẩu

 

Theo quy định tại Điều 11, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất được quy định như sau:

 

- Chính phủ căn cứ theo quy định về nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất tại Điều 10 của Luật này cùng Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật này; Cam kết tại Nghị định thư gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về biểu thuế ưu đãi đã được Quốc hội phê chuẩn và các Điều ước quốc tế khác mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên để ban hành:

 

+ Biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi;

 

+ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt;

 

+ Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

 

- Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật này.

 

- Thẩm quyền áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ thực hiện theo quy định tại Chương III của Luật này.

 

Trên đây là những thông tin cơ bản, quy định về thuế xuất nhập mà mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu cần nắm được. Bên cạnh các bộ luật chính, cá nhân và tổ chức cũng cần chú ý đến các văn bản liên quan được ban hành để hướng dẫn chi tiết về các quy định xuất nhập khẩu.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan điện tử ECUS, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://ecus.vn/