Địa điểm làm thủ tục hải quan từ ngày 15/8/2025 theo Nghị định 167/2025/NĐ-CP
Ngày 30/06/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2025/NĐ-CP, nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó, tiêu biểu là sửa đổi, bổ sung quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan cụ thể cho các loại hàng hóa xuất nhập khẩu.

1. Nơi làm thủ tục hải quan thư, gói, kiện hàng xuất nhập khẩu
Căn cứ Khoản 1, Điều 1, Nghị định 167/2025/NĐ-CP, thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh (bao gồm hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định) thì địa điểm làm thủ tục hải quan là tại Chi cục Hải quan khu vực quản lý địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, hàng chuyển phát nhanh.
Ví dụ:
- Chi cục Hải quan khu vực I - Hà Nội (trụ sở chính), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái.
- Chi cục Hải quan khu vực II - Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chi cục Hải quan khu vực III - Thái Bình, Hải phòng (trụ sở chính).
Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập do Chính phủ quy định, thay đổi theo từng thời kỳ, phù hợp với tình hình xuất nhập khẩu của đất nước. Hiện Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập mới nhất được đính kèm tại Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg.

2. Địa điểm làm thủ tục hải quan hàng hóa quá cảnh
Căn cứ Khoản 1, Điều 43, Nghị định số 167/2025/NĐ-CP, hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ làm thủ tục hải quan tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.
a) Làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên
Hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên của hàng hóa, quy định như sau:
- Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không thì làm thủ tục hải quan tại cảng đích ghi trên vận đơn.
- Lưu ý: Nếu vận chuyển bằng phương thức trên, nhưng cảng đích ghi trên vận đơn không phải là cảng biển, cảng hàng không thì cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng khi tàu biển, tàu bay nhập cảnh vào Việt Nam;
- Đối với phương thức vận tải đường sắt thì địa điểm làm thủ tục hải quan là ga đường sắt liên vận quốc tế ở biên giới;
- Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa địa điểm làm thủ tục hải quan là cửa khẩu quốc tế nơi hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam;
- Đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh thì địa điểm làm thủ tục hải quan là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng hóa bưu chính, chuyển phát nhanh.
b) Làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cuối cùng
Hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu xuất cuối cùng. Trong đó, cửa khẩu xuất cuối được hiểu là cửa khẩu nơi phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa quá cảnh xuất cảnh sang quốc gia khác.
Trường hợp hàng hóa quá cảnh theo các Hiệp định đa phương về quá cảnh hàng hóa được Việt Nam ký kết tham gia thì thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
3. Nơi làm thủ tục hải quan hàng tạm nhập, tái xuất
Đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất được vận chuyển qua dịch vụ bưu chính hoặc chuyển phát nhanh, địa điểm thực hiện thủ tục hải quan được xác định theo quy định tại Điều 46 của Luật Hải quan năm 2014, cụ thể như sau:
1) Thủ tục hải quan đối với hoạt động tạm nhập và tái xuất được thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi có cửa khẩu.
2) Việc kiểm tra và giám sát hải quan đối với loại hàng hóa này được triển khai theo các nội dung:
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất phải được bảo quản tại khu vực cửa khẩu hoặc các địa điểm được phép kiểm tra, giám sát hải quan.
- Từ thời điểm hoàn thành thủ tục tạm nhập cho đến khi hàng được tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam, hàng hóa phải chịu sự kiểm tra, giám sát liên tục của cơ quan hải quan. Người khai hải quan hoặc doanh nghiệp thực hiện hoạt động tạm nhập, tái xuất có trách nhiệm quản lý, bảo quản hàng hóa trong suốt thời gian lưu giữ tại Việt Nam, đồng thời phải bảo đảm việc tái xuất đúng chủng loại hàng đã được tạm nhập.
Lưu ý: Hàng hóa tạm nhập cần được tái xuất trong thời hạn theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp không tái xuất mà muốn tiêu thụ hàng trong nước thì phải làm thủ tục hải quan như hàng hóa nhập khẩu chính ngạch.
Như vậy, Nghị định mới chi tiết hóa và chuyên biệt hóa cách xử lý từng loại hình hàng hóa, phù hợp thực tiễn hiện đại với sự gia tăng của thương mại điện tử và dịch vụ chuyển phát. Trên đây là quy định chi tiết về địa điểm làm thủ tục hải quan với 3 loại hình hàng hóa kể trên. Doanh nghiệp cần lưu ý để thuận tiện trong quá trình làm thủ tục hải quan cũng như tuân thủ địa điểm làm thủ tục hải quan theo quy định pháp luật.
Dương Nguyễn