Trang chủ Tin tức Quota nhập khẩu là gì? Những quy định và thủ tục thương nhân cần biết

Quota nhập khẩu là gì? Những quy định và thủ tục thương nhân cần biết

Bởi: ecus.net.vn - 21/03/2025 Lượt xem: 165 Cỡ chữ tru cong

Theo Luật quản lý ngoại thương hiện hành, Việt Nam có bốn loại hàng hóa áp quota nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan gồm đường tinh luyện, đường thô; muối; thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm. Dưới đây là những điều thương nhân kinh doanh cần biết về quota nhập khẩu.

1. Định nghĩa quota nhập khẩu và ý nghĩa của quota

1.1. Quota nhập khẩu là gì?

Hạn ngạch nhập khẩu

Khái niệm và ý nghĩa của Hạn ngạch quota nhập khẩu.

Định nghĩa về quota nhập khẩu hay còn gọi là hạn ngạch nhập khẩu, được đề cập tại Khoản 2, Điều 17, Luật quản lý ngoại thương 2017 là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.

Căn cứ Điều 91, Luật quản lý ngoại thương 2017, biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nhằm hạn chế, kiểm soát hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước gồm: Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch thuế quan, áp dụng thuế tự vệ, cấp giấy phép nhập khẩu…

Như vậy, quota nhập khẩu hay hạn ngạch nhập khẩu là một biện pháp tự vệ do Nhà nước đề ra giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước nói chung.

Bài viết liên quan: Chứng từ xuất nhập khẩu 2025 gồm những gì?

1.2. Ý nghĩa của quota nhập khẩu

Quota nhập khẩu là một công cụ quản lý thương mại có nhiều ý nghĩa quan trọng, bao gồm:

- Bảo vệ ngành sản xuất trong nước: Hạn chế hàng nhập khẩu giúp các doanh nghiệp nội địa giảm bớt cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là trong các ngành còn non trẻ hoặc đang phát triển cũng như mở rộng sản xuất và đầu tư dài hạn.

- Cân bằng cán cân thương mại: Giảm nhập khẩu đồng nghĩa với việc giảm thâm hụt thương mại, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Hạn chế sự phụ thuộc vào hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược.

- Kiểm soát chất lượng và an toàn hàng hóa: Đề ra hạn ngạch quota nhập khẩu giúp chính phủ dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm và đảm bảo hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn an toàn. Ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa.

- Bảo vệ việc làm trong nước: Khi doanh nghiệp trong nước được bảo vệ, họ có thể duy trì hoặc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động trong nước.

- Công cụ đàm phán thương mại: Hạn ngạch nhập khẩu có thể được sử dụng như một đòn bẩy trong đàm phán thương mại song phương hoặc đa phương, giúp đạt được các lợi ích kinh tế khác.

- Tạo nguồn thu cho chính phủ: Việc xử lý các thủ tục về hạn ngạch nhập khẩu, thuế quan nhập khẩu cũng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

2. Áp dụng quota nhập khẩu khi nào?

2.1. Quy định pháp luật về việc áp dụng quota nhập khẩu

a) Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu

Theo Điều 18 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, biện pháp hạn ngạch xuất khẩu và nhập khẩu sẽ được áp dụng trong các trường hợp hàng hóa thuộc một trong các tình huống sau đây:

a) Theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Đối với các mặt hàng cần đảm bảo sự cân đối vĩ mô và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong từng giai đoạn nhất định;

c) Khi quốc gia nhập khẩu áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Bài viết liên quan:

 1. Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu hoa quả theo quy định của Chính Phủ.

 2. Hướng dẫn chi tiết thủ tục nhập khẩu dây cáp điện cập nhật 2025.

 3. Hướng dẫn thủ tục xin cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế mới cập nhật 2025.

b) Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất nhập khẩu

Căn cứ Điều 19, Luật quản lý ngoại thương 2017 thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất nhập khẩu thuộc về Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Đồng thời, hàng năm, hàng hóa nào cần áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất nhập khẩu sẽ được Bộ Công Thương công bố bằng văn bản pháp luật. 

Loại hàng hóa phải nhập khẩu theo hạn ngạch

04 Loại hàng hóa phải nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

2.2. Mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

Theo quy định của Luật quản lý ngoại thương hiện hành, năm 2025, Việt Nam đang áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với bốn loại hàng hóa nhập khẩu chính, bao gồm: “đường tinh luyện, đường thô, muối, thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm”. Số lượng hạn ngạch nhập khẩu này sẽ do các cơ quan có thẩm quyền quyết định và công bố hàng năm, đồng thời quy định cụ thể về phương thức quản lý đối với từng mặt hàng.

Theo Khoản 4, Điều 10 của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, mức thuế nhập khẩu áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu vượt hạn ngạch thuế quan được quy định như sau:

a) Các mặt hàng nêu tại Khoản 1, Điều 10, nếu nhập khẩu vượt quá số lượng hạn ngạch được Bộ Công Thương quy định hàng năm, sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Nếu các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định về số lượng hạn ngạch hoặc mức thuế suất ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc phạm vi điều chỉnh thì việc áp dụng sẽ tuân theo các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Trong trường hợp mức thuế suất ngoài hạn ngạch theo các Điều ước quốc tế cao hơn mức thuế quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này, thì sẽ áp dụng mức thuế theo Phụ lục IV.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 10 của Nghị định này cũng chỉ rõ danh mục hàng hóa chịu hạn ngạch thuế quan bao gồm các mặt hàng được liệt kê trong Phụ lục IV kèm theo Nghị định và các mặt hàng được quy định theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Thủ tục cấp giấy phép Quota nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan

Thương nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trực tiếp tại trụ sở Cục xuất nhập khẩu Hà Nội, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công với trình tự thực hiện như sau:

3.1. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

- Bản chính Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII, ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BCT.

- Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

3.2. Hình thức nộp hồ sơ

Thương nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau để nộp hồ sơ:

- Nộp trực tiếp tại Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. (Địa chỉ: Cục Xuất nhập khẩu, số 54 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.)

- Nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia (nếu áp dụng).

- Nộp qua đường bưu điện đến địa chỉ nêu trên.

3.3. Thời gian xử lý và trả kết quả

Thời gian xử lý và trả kết quả đối với thủ tục xin giấy phép hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định như sau:

- Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, Bộ Công Thương sẽ thông báo để thương nhân kịp thời hoàn thiện.

- Thời hạn xử lý hồ sơ và cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là 10 ngày làm việc, tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

- Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Công Thương sẽ có văn bản thông báo kèm theo lý do cụ thể.

Như vậy, quota nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý thương mại quốc tế, giúp cân bằng giữa việc mở cửa thị trường và bảo vệ sản xuất trong nước.

Việc hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến quota nhập khẩu, từ đối tượng áp dụng, mức thuế suất đến thủ tục xin giấy phép, sẽ giúp thương nhân chủ động trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế.

Dương Nguyễn