Trang chủ Tin tức Tình hình xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam và những dự báo trong năm 2025

Tình hình xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam và những dự báo trong năm 2025

Bởi: ecus.net.vn - 14/03/2025 Lượt xem: 611 Cỡ chữ tru cong

Gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, góp phần quan trọng vào nền kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực. Trong những năm gần đây, ngành xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận nhiều biến động với các kỷ lục về sản lượng, giá trị xuất khẩu. Bài viết này sẽ phân tích tình hình xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 và những dự báo cho năm 2025, đồng thời đánh giá tác động của Nghị định 01/2025/NĐ-CP đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. 

 

Xuất nhập khẩu gạo

Tổng kết xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam năm 2025.

 

1. Báo cáo xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam

 

1.1. Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam 2024 và đầu năm 2025

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã ghi nhận những kỷ lục mới cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo.

 

Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 9 triệu tấn gạo, thu về 5,7 tỷ USD. Số liệu cho thấy khối lượng đã tăng 23% và giá trị tăng 22,4% so với năm 2023 và cũng là kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Với con số này, chúng ta chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan với 17 triệu tấn và 10 triệu tấn.

 

Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu từ Việt Nam, chiếm 46,1% thị phần. Tiếp đến là Indonesia và Malaysia với thị phần lần lượt là 13,5% và 8,2%. So với năm 2023, giá trị nhập khẩu gạo của Philippines và Indonesia từ Việt Nam năm 2024 đều tăng, với con số tăng tương ứng là 59,1% và 20,2%.

 

>> Tham khảo: Quy định quan trọng cần biết về hình thức nhập khẩu song song.

 

1.2. Tình hình nhập khẩu gạo của Việt Nam 2024

 

Bên cạnh xuất siêu, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 4,518 triệu tấn lúa gạo các loại, đứng thứ 3 thế giới về nhập khẩu lúa gạo. Cụ thể, gồm 3,8 triệu tấn lúa và phần còn lại là các loại gạo và nếp.

 

Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Ấn Độ, Campuchia và Pakistan với tổng khối lượng lúa, gạo nhập khẩu trong năm 2024 là 3,306 triệu tấn. Trong đó, nhập từ Campuchia đạt 2,73 triệu tấn lúa, chiếm 82,54% tổng lượng nhập khẩu và 576.000 tấn gạo từ Ấn Độ chiếm 12,74% tổng lượng nhập khẩu.

 

Ngoài hai thị trường nêu trên, trong năm 2024, Việt Nam còn nhập khẩu lúa gạo từ Lào, Myanmar, Thái Lan và một số thị trường khác.

 

1.3. Dự báo xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam 2025

 

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

 

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, giá gạo thế giới liên tục đi xuống nhưng gạo Việt Nam giảm mạnh nhất do Philippines, thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam đang đẩy mạnh một loạt chính sách nhằm hạ giá gạo.

 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo là một trong số mặt hàng có thể gặp khó khăn, suy giảm trong năm 2025. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần linh hoạt trong chiến lược tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới để duy trì và mở rộng thị phần. 

 

>> Có thể bạn quan tâm: Tổng quan về nghiệp vụ xuất nhập khẩu.

 

Xuất siêu và nhập siêu

Lý giải nguyên nhân xuất siêu đồng thời nhập siêu.

 

2. Tại sao xuất siêu nhưng nhập khẩu gạo của Việt Nam cao hàng đầu thế giới?

 

Lý giải cho việc là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng cũng nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, có thể kể đến các nguyên nhân sau:

 

- Theo tìm hiểu của KTSG Online, trong năm 2024, lúa từ Campuchia được nhập khẩu phần lớn qua các cửa khẩu tiếp giáp giữa tỉnh Long An, Đồng Tháp của Việt Nam với Campuchia. Lúa sau khi đưa về Việt Nam sẽ tiến hành xay xát, phần lớn dùng để phục vụ cho xuất khẩu.

 

- Trong khi đó, các loại gạo được nhập khẩu từ Ấn Độ, Pakistan, Campuchia… chủ yếu là gạo cấp thấp được sử dụng cho mục đích như sản xuất bánh phở, bún, làm thức ăn chăn nuôi và nhu cầu tiêu dùng cho phân khúc bình dân,  công nhân ở các khu công nghiệp…

 

- Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp tăng xuất khẩu nhưng cũng tạo điều kiện cho nhập khẩu gạo từ các nước khác với thuế suất ưu đãi.

 

- Một số doanh nghiệp kinh doanh gạo nhập khẩu gạo để phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau hoặc đáp ứng thị hiếu mới.

 

- Một số vùng chuyên canh sản xuất gạo xuất khẩu theo đơn đặt hàng lớn, nhưng không tập trung vào các loại gạo đặc sản, hữu cơ phục vụ nhu cầu nội địa.

 

Như vậy, Việc Việt Nam vừa xuất khẩu gạo lớn vừa nhập khẩu gạo nhiều không phải là mâu thuẫn, mà là một phần của chuỗi cung ứng linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Trong tương lai, nếu ngành sản xuất trong nước cải thiện chất lượng và đa dạng sản phẩm, lượng nhập khẩu có thể giảm dần. 

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử; Báo giá hóa đơn điện tử

 

Xuất nhập khẩu gạo

Những thay đổi trong Nghị định 01/2025/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.

 

3. Nghị định 01/2025/NĐ-CP và chiến lược cho xuất khẩu gạo Việt Nam

 

Một số thay đổi nổi bật trong Nghị định 01/2025/NĐ-CP đối với việc xuất nhập khẩu gạo như sau:

 

- Ưu tiên kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại: Bộ Tài chính phân bổ kinh phí hàng năm cho hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.

 

- Thay đổi quy định về báo cáo tồn kho: Thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo tồn kho trước ngày 05 hàng tháng (thay vì báo cáo hàng tuần như trước).

 

- Bổ sung quy định thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo: Nếu sau 45 ngày từ khi bị đôn đốc mà thương nhân không nộp báo cáo, Bộ Công Thương sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

 

- Tăng trách nhiệm hậu kiểm của UBND cấp tỉnh: Trong vòng 45 ngày sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra kho chứa, cơ sở xay xát để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

 

Nghị định mới này đã tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu gạo, giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hơn cũng như nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, chính phủ trong việc quản lý kinh doanh xuất khẩu gạo.

 

>> Tham khảo: Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

 

Nhìn chung, ngành xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế quan trọng trên thị trường thế giới, với những thành tựu đáng kể về sản lượng và giá trị.

 

Tuy nhiên, trước những thách thức mới như biến động giá cả, chính sách thương mại của các nước nhập khẩu và áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược tiếp cận thị trường.

 

Việc triển khai Nghị định 01/2025/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành gạo Việt Nam trong thời gian tới.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan ECUS, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://ecus.vn/