Hình thức thuê tàu định hạn là gì? Khái niệm & đặc điểm chi tiết

Bởi: ecus.vn - 19/05/2025 Lượt xem: 79 Cỡ chữ tru cong

Thuê tàu định hạn là một hình thức thuê tàu phổ biến, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm, đặc điểm cũng như các hình thức thuê tàu định hạn. Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ và chính xác về hình thức thuê tàu này.

Nội dung bài viết [Ẩn]

1. Thuê tàu định hạn là gì?

2. Đặc điểm của thuê tàu định hạn

3. Hình thức thuê tàu định hạn

3.1 Thuê toàn bộ

3.2 Thuê định hạn trơn

4. Ưu và nhược điểm của thuê tàu định hạn

4.1 Ưu điểm

4.2 Nhược điểm

Thuê tàu định hạn là gì?
Thuê tàu định hạn là một hình thức phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa

1. Thuê tàu định hạn (Time charter) là gì?

Thuê tàu định hạn (tiếng Anh: Time charter) là hình thức mà chủ tàu đồng ý cho bên thuê sử dụng toàn bộ con tàu trong một khoảng thời gian cụ thể, phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa. Việc thuê này có thể bao gồm cả thủy thủ đoàn (thuyền trưởng và các thuyền viên) hoặc không, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên. Trong suốt thời gian thuê, người thuê có trách nhiệm chi trả tiền thuê tàu cũng như các chi phí liên quan đến vận hành tàu trong thời gian sử dụng.

Đọc thêm: Vận tải đường biển: Những lợi ích, hạn chế doanh nghiệp cần biết

2. Đặc điểm của hình thức thuê tàu định hạn

Thuê tàu định hạn (Time Charter) là hình thức thuê tài sản đặc thù, trong đó người thuê được toàn quyền khai thác và sử dụng con tàu trong một khoảng thời gian xác định. Dưới đây là những đặc điểm nổi bật của phương thức này:

(1) Người thuê được toàn quyền sử dụng tàu.

Trong suốt thời hạn thuê, người thuê có thể khai thác tàu để chở hàng hóa nhiều chuyến, lựa chọn tuyến hành trình và tổ chức hoạt động kinh doanh phù hợp nhu cầu.

(2) Quan hệ pháp lý được điều chỉnh bằng hợp đồng định hạn (Time Charter Party).

Hợp đồng này ghi rõ thông tin về chủ tàu, người thuê, tên tàu, dung tích, khả năng vận hành, thời gian – địa điểm giao/nhận tàu, khu vực hoạt động và các điều khoản thuê tàu.

(3) Chi phí và nghĩa vụ được phân chia rõ ràng.

Người thuê phải trả tiền thuê tàu theo thời gian (ngày, tháng) gọi là Hire, đồng thời chịu toàn bộ chi phí vận hành tàu như: nhiên liệu, nước ngọt, phí cảng, đại lý, vật tư phụ trợ,...

(4) Chủ tàu không phải là người chuyên chở.

Trong hợp đồng thuê tàu định hạn, chính người thuê tàu mới là bên đứng ra thực hiện vận chuyển hàng hóa theo từng chuyến, đóng vai trò là người chuyên chở chứ không phải chủ tàu.

(5) Linh hoạt, phù hợp thị trường vận tải biến động.

Hình thức này thường được lựa chọn khi thị trường thuê tàu sôi động, giá cước vận tải có xu hướng tăng hoặc việc thuê tàu chuyến gặp khó khăn.

Đọc thêm: Phí vận chuyển đường biển (OF) và các yếu tổ ảnh hưởng đến OF

3. Các hình thức thuê tàu định hạn

Thuê tàu định hạn được chia thành nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phạm vi thuê và cách thức vận hành tàu. Dưới đây là hai hình thức phổ biến nhất:

hình thức thuê tàu định hạn
Có 02 hình thức thuê tàu định hạn phổ biến

3.1 Thuê toàn bộ 

Đây là hình thức người thuê tàu được sử dụng toàn bộ con tàu cùng với đội ngũ thuyền bộ (bao gồm thuyền trưởng, sĩ quan và thủy thủ đoàn) do chủ tàu cung cấp. Trong nhóm này, có hai cách thuê phổ biến:

(1) Thuê theo thời hạn (Period Time Charter): Người thuê được sử dụng tàu trong một khoảng thời gian nhất định như 6 tháng, 1 năm hoặc nhiều năm, tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng.

(2) Thuê định hạn chuyến (Trip Time Charter): Tương tự như thuê định hạn thông thường nhưng chỉ áp dụng cho một chuyến đi cụ thể. Hình thức này mang tính linh hoạt cao, phù hợp với các nhu cầu vận tải ngắn hạn.

3.2 Thuê định hạn trơn (Bareboat Charter)

Với hình thức thuê định hạn trơn, chủ tàu chỉ bàn giao con tàu mà không kèm theo thuyền bộ. Khi đó, người thuê phải tự tổ chức và biên chế đầy đủ thuyền trưởng và thủy thủ đoàn để có thể khai thác tàu. Hình thức này yêu cầu người thuê có năng lực quản lý và vận hành tàu cao hơn so với các hình thức thuê có thuyền bộ đi kèm.

4. Ưu và Nhược điểm của thuê tàu định hạn

4.1 Ưu điểm

Hình thức thuê tàu định hạn mang lại sự linh hoạt và chủ động cao cho người thuê trong việc tổ chức vận chuyển hàng hóa. Do được toàn quyền sử dụng tàu trong thời gian thuê, người thuê có thể sắp xếp lịch trình vận chuyển phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình, đặc biệt hiệu quả nếu có nguồn hàng ổn định hai chiều. Ngoài ra, chi phí thuê tàu định hạn thường rẻ hơn so với các hình thức thuê theo chuyến nếu khai thác hiệu quả.

Về phía chủ tàu, thuê tàu định hạn giúp họ đảm bảo được nguồn thu ổn định trong suốt thời gian hợp đồng mà không phải tìm kiếm từng khách hàng lẻ. Trong bối cảnh thị trường vận tải trầm lắng hoặc khan hiếm hàng hóa, đây cũng là hình thức giúp chủ tàu giảm thiểu rủi ro kinh doanh.

4.2 Nhược điểm

Bên cạnh những lợi ích, thuê tàu định hạn cũng tồn tại những rủi ro và trách nhiệm đáng kể, đặc biệt đối với người thuê. Người thuê phải tự chịu toàn bộ các chi phí khai thác tàu như nhiên liệu, nước, phí cảng, chi phí xếp dỡ… trong khi giá nhiên liệu và dịch vụ có thể biến động mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, việc quản lý và vận hành tàu cũng đòi hỏi người thuê phải có kiến thức chuyên môn và khả năng điều hành tốt. Ngoài ra, họ còn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với hàng hóa được chuyên chở trong suốt thời gian thuê.

Đọc thêm: Ưu và nhược điểm của quy trình xuất khẩu hàng hóa đường biển

Tóm lại, thuê tàu định hạn là một phương thức thuê tàu phổ biến trong vận tải biển quốc tế, mang lại nhiều lợi ích về tính chủ động và hiệu quả khai thác cho người thuê. Việc hiểu rõ khái niệm, đặc điểm và các hình thức thuê tàu định hạn sẽ giúp các doanh nghiệp lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu hóa hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Hải quan điện tử ECUS mong rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu bạn cần hỗ trợ xin vui lòng liên hệ tổng đài HTKH 24/7 của ECUS 1900 4767 - 1900 4768 miễn phí để được giúp đỡ.

Nguyệt Nga