Hợp đồng xuất nhập khẩu: Những điều doanh nghiệp cần biết
Hợp đồng xuất nhập khẩu là một trong những văn bản pháp lý quan trọng ghi nhận những thỏa thuận trong quá trình mua - bán hàng hóa quốc tế. Đặc biệt, đây là hình thức hợp đồng được ký kết giữa hai bên có trụ sở ở các nước khác nhau, hàng hóa vận chuyển ra ngoài phạm vi quốc gia nên các điều khoản phải thật sự chặt chẽ. Các nội dung cần lưu ý dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp nắm được những vấn đề cơ bản khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu.
Khái niệm hợp đồng xuất nhập khẩu.
1. Hợp đồng xuất nhập khẩu là gì?
Hợp đồng xuất nhập khẩu còn có tên gọi khác là hợp đồng ngoại thương. Căn cứ theo Quy chế 4794-XNK hướng dẫn ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương, tại Phần I, khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương được định nghĩa như sau:
Hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương (hợp đồng xuất nhập khẩu) là hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính chất quốc tế. Tính chất này của hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương được thể hiện như sau:
- Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương là các pháp nhân mang các quốc tịch khác nhau.
- Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng và thông thường được vận chuyển từ nước này qua nước khác.
- Đồng tiền được sử dụng để thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương là ngoại tệ đối với một hoặc cả hai bên ký kết hợp đồng.
>> Tham khảo: Điều kiện giao hàng DAP là gì trong xuất nhập khẩu?
2. Những đặc trưng cơ bản của hợp đồng xuất nhập khẩu
Chủ thể, hàng hóa & hình thức hợp đồng xuất nhập khẩu.
Cũng theo theo Quy chế 4794-XNK, hợp đồng xuất nhập khẩu (hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương) có 3 đặc trưng cơ bản sau:
2.1. Chủ thể của hợp đồng
Về phía chủ thể tại Việt Nam: Chỉ có các tổ chức kinh tế được Bộ thương nghiệp cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu mới được quyền ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương. Người ký kết bắt buộc phải là Giám đốc hoặc người được Giám đốc ủy quyền bằng văn bản.
Mọi hợp đồng mua bán ngoại thương do các tổ chức kinh tế chưa được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đều không có giá trị hiệu lực. Các tổ chức kinh tế này chỉ có quyền tham gia đàm phán với các tổ chức kinh tế nước khác khi đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu.
2.2. Hàng hóa trong hợp đồng xuất nhập khẩu
Hàng hóa là đối tượng chính của hợp đồng mua bán ngoại thương và phải đảm bảo tính pháp lý, không thuộc danh mục hàng hóa cấp nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; và phải tuân thủ theo các quy định về hạn ngạch, ngành hàng, mặt hàng đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và theo những quy định khác của nhà nước về xuất nhập khẩu.
2.3. Hình thức của hợp đồng
Hợp đồng mua bán ngoại thương phải được thể hiện bằng văn bản. Mọi thỏa thuận trên hình thức thư từ, điện tín, telex, fax cũng được coi là hợp đồng mua bán ngoại thương hợp pháp nếu đảm bảo các nội dung chủ yếu của hợp đồng.
Mọi hình thức thỏa thuận bằng miệng hoặc văn bản không có chữ ký của người có thẩm quyền của hai bên đều không có giá trị hiệu lực. Đồng thời, mọi nội dung sửa đổi, bổ sung trên hợp đồng mua bán ngoại thương cũng phải được làm thành văn bản.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.
2.4. Giá hàng hóa trên hợp đồng
Theo Khoản 2, Điều 4, Thông tư 39/2015/TT-BTC, giá bán hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất dược quy định như sau:
“2. Phương pháp xác định giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất
a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất phù hợp với các chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa.
b) Cách thức xác định:
b.1) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu được giao tại cửa khẩu xuất: giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tính đến cửa khẩu xuất phù hợp với các chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa.”
3. Nội dung của hợp đồng xuất nhập khẩu
Nội dung của hợp đồng xuất nhập khẩu.
Căn cứ Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015; căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/06/2005 và các văn bản pháp luật liên quan, hợp đồng xuất nhập khẩu bao gồm các nội dung, điều khoản sau:
- Thông tin chủ thể hợp đồng (bên bán, bên mua): Tên công ty, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, Fax, tài khoản ngân hàng, đại diện pháp luật.
- Điều khoản định nghĩa: Nêu các khái niệm được sử dụng trong hợp đồng: Điều kiện CIF, tài liệu liên quan, hàng hóa cung cấp,...
>> Tham khảo: Thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại chỗ.
- Điều khoản phạm vi, đối tượng của hợp đồng:
+ Tên hàng, Mã hiệu.
+ Nhà sản xuất.
+ Nhà cung cấp.
+ Số lượng và số chế tạo hàng hóa.
+ Chất lượng.
+ Xuất xứ nguồn gốc.
+ Quy cách đóng gói.
+ Giá cả.
- Điều khoản giao hàng:
+ Điều kiện giao hàng.
+ Thỏa thuận về thời gian, địa điểm giao nhận, chi phí xếp dỡ, kiểm đếm.
+ Cảng xếp hàng, cảng đích, hình thức giao hàng từng phần, chuyển tải, thông báo trước khi giao hàng,...
- Điều khoản bao gói và ký hiệu:
+ Điều khoản này mô tả việc đóng gói hàng hóa, ghi mã ký hiệu trên kiện hàng.
- Điều khoản vận chuyển, đơn vị vận chuyển.
- Điều khoản phương thức thanh toán.
Phương thức thanh toán gồm các mục:
+ Các bên có thể lựa chọn áp dụng một trong các phương thức thanh toán phù hợp.
+ Tiến độ thanh toán.
+ Chứng từ phải xuất trình trước khi thanh toán: Phiếu đóng gói chi tiết, Giấy chứng nhận xuất xứ lô hàng, Hợp đồng bảo hiểm,...
>> Tham khảo: Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu.
- Điều khoản bảo hiểm và bảo hành
+ Bảo hiểm: Các bên thỏa thuận về công ty bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm, thời gian bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm….
+ Bảo hành: Các bên tự thỏa thuận về điều kiện bảo hành, thời gian bảo hành, nội dung bảo hành đối với hàng hóa, các trường hợp không bảo hành…
- Điều khoản quyền và nghĩa vụ các bên
Các bên sẽ thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo đó các bên có những trách nhiệm cơ bản sau:
Trách nhiệm của bên nhập khẩu:
+ Thanh toán toàn bộ chi phí mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
+ Tổ chức tiếp nhận hàng hóa nhanh, an toàn, dứt điểm cho từng lô hàng.
+ Chịu chi phí bốc dỡ hàng hóa (nếu có phát sinh) từ xe xuống khi bên bán vận chuyển hàng hoá đến địa điểm đã thỏa thuận.
Trách nhiệm của bên xuất khẩu:
+ Chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng đối với toàn bộ hàng hóa cung cấp cho tới khi hàng hóa đến địa điểm giao nhận theo thỏa thuận.
+ Giao hàng cho bên mua tại địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng.
+ Cung cấp mọi thông tin cần thiết đối với việc bảo quản, sử dụng hàng hoá theo quy định của hợp đồng theo thỏa thuận.
+ Bảo hành hàng hóa theo các thỏa thuận tại hợp đồng này.
- Điều khoản chấm dứt hợp đồng
+ Hai bên thỏa thuận về các trường hợp chấm dứt hợp đồng.
- Điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
+ Hai bên thỏa thuận về các trường hợp một bên vi phạm hợp đồng. Các trường hợp vi phạm như bên bán không giao hàng đúng thời gian, số lượng, quy cách,…bên mua không thực hiện đúng đủ nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ nhận hàng,… và các hình thức xử lý vi phạm, mức phạt,...
>> Tham khảo: Phần mềm khai báo Hải quan điện tử ECUS5VNACCS.
- Điều khoản giải quyết tranh chấp
- Phần chữ ký, đại diện của hai bên.
Trên đây là các thông tin quan trọng về hợp đồng xuất nhập khẩu (hợp đồng mua bán ngoại thương). Đây là hình thức được áp dụng phổ biến trong bối cảnh kinh tế mở cửa nên các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực này cần lưu ý về đặc trưng, các loại hợp đồng, các điều khoản chính của hợp đồng để giao kết hợp đồng hợp pháp.
Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan ECUS, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://ecus.vn/