Trang chủ Tin tức Hướng dẫn hồ sơ, quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu

Hướng dẫn hồ sơ, quy trình cấp giấy phép xuất nhập khẩu

Bởi: ecus.net.vn - 08/08/2024 Lượt xem: 380 Cỡ chữ tru cong

Giấy phép xuất nhập khẩu là văn bản không thể thiếu cho phép các hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể trao đổi, buôn bán với các quốc gia khác. Giấy phép xuất nhập khẩu có những loại nào, thủ tục cấp phép như thế nào? Trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu cần nắm vững các quy định về thủ tục cấp phép và các hồ sơ liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.

 

Giấy phép xuất nhập khẩu

Khái niệm giấy phép xuất nhập khẩu.

 

1. Giấy phép xuất nhập khẩu là gì?

 

Giấy phép xuất nhập khẩu được hiểu là văn bản chứng minh tính hợp pháp của việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước ra vào qua cửa khẩu hải quan vì mục đích thương mại. Hàng hóa, dịch vụ này có thể là của trong nước được trao đổi, buôn bán với các quốc gia khác.

 

Đây là giấy phép bắt buộc phải có khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa của mình ra nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu từ nước ngoài vào trong nước phục vụ các mục đích khác nhau. Hiểu cách khác, đây là loại giấy phép cần có để xác định tính hợp pháp của chủ thể và hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

>> Tham khảo: Thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại chỗ.

 

2. Những hàng hóa nào phải xin giấy phép xuất nhập khẩu

 

Loại hàng hóa cần xin giấy phép xuất nhập khẩu

Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị định 69.

 

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định cụ thể tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

 

2.1. Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép xuất khẩu

 

Căn cứ theo phần A, mục I và Phần A, Mục VII, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP, danh mục hàng hóa xuất khẩu quản lý theo giấy phép xuất khẩu gồm:

 

- Tiền chất công nghiệp.

 

- Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp.

 

- Các loại hàng hóa xuất khẩu theo hạn ngạch nước ngoài quy định.

 

- Hàng cần kiểm soát xuất khẩu theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, do Bộ Công Thương công bố theo thời kỳ.

 

- Hàng hóa áp dụng theo chế độ cấp giấy phép xuất khẩu tự động theo danh mục của Bộ Công Thương công bố.

 

- Thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

 

- Các nguyên liệu làm thuốc là dược chất hướng thần, dược chất gây nghiện, tiền chất dùng để làm thuốc.

 

- Dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý hiếm, danh mục đặc hữu trong diện phải kiểm soát.

 

- Vàng nguyên liệu.

 

>> Tham khảo: Những điều cần biết khi ủy thác xuất nhập khẩu.

 

2.2. Danh mục hàng hóa nhập khẩu quản lý theo giấy phép nhập khẩu 

 

Căn cứ theo Phần B, Mục I và Phần A, mục VIII, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP, danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép nhập khẩu bao gồm:

 

- Hàng hóa thuộc diện kiểm soát nhập khẩu theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên do Bộ Công thương công bố theo thời kỳ.

 

- Hàng hóa áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động: Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho từng thời kỳ và tổ chức cấp phép theo quy định hiện hành.

 

- Hàng hóa áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan như: Thuốc lá nguyên liệu, muối, trứng gia cầm, đường tinh luyện, đường thô.

 

- Tiền chất thuốc nổ, vật liệu công nghiệp.

 

- Vàng nguyên liệu.

 

- Tiền chất công nghiệp.

 

3. Thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu

 

Thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu

Thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu.

 

Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu được hướng dẫn tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Luật Quản lý Ngoại thương.

 

3.1. Hồ sơ xin giấy phép xuất nhập khẩu

 

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 9, Nghị định 69/2018/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu bao gồm:

 

- Văn bản đề nghị cấp phép của thương nhân: Bản chính.

 

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp: Bản sao có dấu.

 

- Các giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

 

3.2. Quy trình xin cấp phép xuất nhập khẩu 

 

Theo Khoản 2, Điều 9, Nghị định 69/2018/NĐ-CP, quy trình cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

 

Bước 1: Thương nhân gửi bộ hồ sơ đầy đủ qua bưu chính hoặc nộp trực tuyến đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp phép.

 

Bước 2: tiếp nhận hồ sơ.

 

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ: Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

 

- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân.

 

Lưu ý: Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.

 

Đối với việc cấp sửa đổi, cấp bổ sung giấy phép do mất, thất lạc được thực hiện theo 3 nguyên tắc:

 

- Nguyên tắc 1:  Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung trên giấy phép.

 

- Nguyên tắc 2: Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài quá thời gian cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.

 

- Nguyên tắc 3: Trường hợp bị từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm gửi văn bản nêu rõ lý do.

 

>> Tham khảo: Điều kiện giao hàng DAP là gì trong xuất nhập khẩu?

 

3.3. Nơi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu

 

Địa điểm tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu tùy thuộc vào từng loại hàng hóa, dịch vụ, điển hình như sau:

 

- Bộ công thương: Cấp phép cho hàng hóa là tiền chất thuốc nổ, tiền chất công nghiệp, vật liệu nổ công nghiệp.

 

- Bộ Thông tin và Truyền thông: Cấp phép cho hàng hóa là sách, tạp chí, ấn phẩm, báo.

 

- Bộ Y tế: Cấp phép cho trang thiết bị y tế, thuốc, thuốc kiểm soát đặc biệt, hóa chất, mỹ phẩm.

 

- Ngân hàng nhà nước: Cấp phép cho vàng nguyên liệu.

 

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cấp phép cho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, giống thủy sản, cây trồng,...

 

4. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xuất nhập khẩu

 

Tùy theo hàng hóa, dịch vụ cần cấp phép mà mẫu đơn đề nghị sẽ khác nhau. Dưới đây là mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xuất nhập khẩu đối với hàng hóa là tiền chất thuốc nổ, được cấp phép bởi Bộ Công thương:

 

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xuất nhập khẩu

 

Trên đây là hướng dẫn hồ sơ, quy trình xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu. Đây là loại giấy phép quan trọng được sử dụng trong quá trình doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong nước với nước ngoài. Doanh nghiệp cần lưu ý về các mặt hàng cần xin giấy phép, hồ sơ, các bước nộp và giải quyết hồ sơ.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan ECUS, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://ecus.vn/