Trang chủ Tin tức Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ trong luật thuế xuất nhập khẩu

Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ trong luật thuế xuất nhập khẩu

Bởi: ecus.net.vn - 18/11/2024 Lượt xem: 205 Cỡ chữ tru cong

Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp thuế như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước trước sức ép từ hàng hóa nhập khẩu. Bài viết này sẽ làm rõ những nội dung quan trọng về các loại thuế này trong luật thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam. 

 

Luật xuất nhập khẩu

Luật thuế xuất nhập khẩu mới nhất 2024.

 

1. Luật thuế xuất nhập khẩu mới nhất quy định những gì?

 

Hiện nay, Luật thuế xuất nhập khẩu mới nhất là Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016. Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, biểu thuế, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Cụ thể:

 

- Chương I - Những quy định chung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, người nộp thuế và nguyên tắc tính thuế.

 

- Chương II - Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Quy định về mức thuế suất, đối tượng miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế.

 

- Chương III - Khai thuế, tính thuế, nộp thuế và xử lý vi phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Các quy định về thủ tục kê khai, thời gian nộp thuế, xử lý khi chậm nộp và vi phạm pháp luật về thuế.

 

- Chương IV - Điều khoản thi hành: Các quy định về hiệu lực thi hành của luật và các văn bản hướng dẫn. 

 

>> Tham khảo: Các loại hình xuất nhập khẩu và bảng mã chi tiết của Tổng cục Hải quan.

 

Quy định xuất nhập khẩu

3 Biện pháp thuế trong luật thuế xuất nhập khẩu.

 

2. Luật thuế xuất nhập khẩu bổ sung

 

Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu quy định về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ trong xuất nhập khẩu lần lượt tại các Điều 12, 13 và 14.

 

2.1. Luật thuế chống bán phá giá trong xuất nhập khẩu

 

a) Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

 

Theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Thuế chống bán phá giá được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện sau:

 

- “Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

 

- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.”

 

b) Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá

 

Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá theo luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm:

 

- “Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

 

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành điều tra và phải căn cứ vào kết luận điều tra theo quy định của pháp luật;

 

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;

 

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích KT - XH trong nước.”

 

c) Thời gian áp dụng luật thuế chống bán phá giá

 

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá theo luật thuế xuất nhập khẩu tối đa là 5 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, quyết định này có thể được gia hạn.

 

>> Tham khảo: Những thông tin phải có trong một Purchase Order.

 

2.2. Luật thuế chống trợ cấp trong xuất nhập khẩu

 

a) Điều kiện áp dụng thuế chống trợ cấp

 

Điều kiện áp dụng thuế chống trợ cấp gồm:

 

- “Hàng hóa nhập khẩu được xác định có trợ cấp theo quy định pháp luật;

 

- Hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.”

 

b) Nguyên tắc áp dụng thuế chống trợ cấp

 

Nguyên tắc áp dụng thuế chống trợ cấp theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:

 

- “Thuế chống trợ cấp chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

 

- Việc áp dụng thuế chống trợ cấp được thực hiện khi đã tiến hành điều tra và phải căn cứ vào kết luận điều tra theo quy định của pháp luật;

 

- Thuế chống trợ cấp được áp dụng đối với hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam;

 

- Việc áp dụng thuế chống trợ cấp không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.”

 

c) Thời gian áp dụng luật thuế chống trợ cấp

 

Thời hạn áp dụng thuế chống trợ cấp không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp có thể được gia hạn.

 

2.3. Luật thuế tự vệ trong xuất nhập khẩu

 

a) Điều kiện áp dụng thuế tự vệ

 

Điều kiện áp dụng thuế tự vệ theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:

 

- “Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước.

 

- Việc gia tăng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.”

 

b) Nguyên tắc áp dụng thuế tự vệ

 

3 Nguyên tắc áp dụng thuế tự vệ theo luật thuế xuất nhập khẩu gồm:

 

- “Thuế tự vệ được áp dụng trong phạm vi và mức độ cần thiết nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và tạo điều kiện để ngành sản xuất đó nâng cao khả năng cạnh tranh;

 

- Việc áp dụng thuế tự vệ phải căn cứ vào kết luận điều tra, trừ trường hợp áp dụng thuế tự vệ tạm thời;

 

- Thuế tự vệ được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử và không phụ thuộc vào xuất xứ hàng hóa.”

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

 

c) Thời gian áp dụng thuế tự vệ

 

Thời gian áp dụng thuế tự vệ tối đa là 4 năm, bao gồm cả giai đoạn áp dụng thuế tự vệ tạm thời. Thời hạn này có thể được gia hạn thêm tối đa 6 năm nếu vẫn còn thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước, và có bằng chứng cho thấy ngành này đang điều chỉnh để nâng cao khả năng cạnh tranh.

 

Thuế xuất nhập khẩu

Tính thuế theo luật thuế xuất nhập khẩu.

 

3. Các phương pháp tính thuế theo luật thuế xuất nhập khẩu

 

Theo luật thuế xuất nhập khẩu, có 3 phương pháp tính thuế bao gồm:

 

- Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm: Phương pháp này tính thuế bằng cách áp dụng một tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị của hàng hóa xuất hoặc nhập khẩu. Ví dụ, nếu tỷ lệ thuế là 10% và trị giá hàng hóa là 1 triệu đồng, thì thuế phải đóng sẽ là 100,000 đồng.

 

- Phương pháp tính thuế tuyệt đối: Phương pháp này quy định một mức thuế cố định trên mỗi đơn vị hàng hóa. Ví dụ, với mỗi kg hàng hóa nhập khẩu sẽ đóng một khoản thuế cố định là 50,000 đồng, bất kể giá trị của hàng hóa đó là bao nhiêu.

 

- Phương pháp tính thuế hỗn hợp: Phương pháp này kết hợp hai cách tính thuế là tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và tính thuế theo số tiền cố định. Tức là, một phần thuế sẽ được tính dựa trên giá trị hàng hóa (tỷ lệ phần trăm), còn phần khác sẽ là một khoản tiền cố định trên mỗi đơn vị hàng hóa.

 

>> Tham khảo: Tổng hợp danh mục xuất nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam.

 

Qua những nội dung đã trình bày, có thể thấy rằng các loại thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ được quy định rõ ràng trong Luật thuế xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa trước các tác động từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ hoặc được trợ cấp.

 

Những biện pháp này không chỉ giúp hạn chế thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước mà còn góp phần đảm bảo sự công bằng trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh trong thị trường cạnh tranh.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan ECUS, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://ecus.vn/