Quản trị xuất nhập khẩu là gì? Vai trò đối với doanh nghiệp

Bởi: ecus.vn - 11/11/2024 Lượt xem: 1508 Cỡ chữ tru cong

Quản trị xuất nhập khẩu (XNK) là một trong những “mắt xích” quan trọng trong chuỗi vận hành và quản lý doanh nghiệp. Quản trị hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiến gần đến mục tiêu và định hướng kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, quản trị XNK hiệu quả sẽ góp phần đáng kể nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội phát triển tiềm năng.

MỤC LỤC [Ẩn/hiện]

 1. Quản trị xuất nhập khẩu là gì?

 2. Nội dung chính của quản trị xuất nhập khẩu

2.1 Nghiên cứu thị trường

2.2 Tìm kiếm khách hàng và đàm phán hợp đồng

2.3 Soạn thảo, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu

2.4 Tổ chức thực hiện hợp đồng

 3. Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quản trị xuất nhập khẩu

 4. Vai trò của quản trị xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp

 5. Học Quản trị xuất nhập khẩu ở đâu?

Quản trị xuất nhập khẩu
Quản trị xuất nhập khẩu là một chuỗi các hoạt động phức tạp

1. Quản trị xuất nhập khẩu là gì?

Quản trị xuất nhập khẩu là tổng hợp các hoạt động từ bước hoạch định chiến lược, kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra các quá trình đã đề ra, đến bước kiểm soát các hoạt động trong một đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đề ra một cách hiệu quả nhất.

Nói cách khác, quản trị xuất nhập khẩu (XNK) trong doanh nghiệp là một chuỗi các hoạt động phức tạp, từ việc hoạch định chiến lược cho đến thực hiện, kiểm tra, nhằm mục đích tối ưu hóa hoạt động và chu trình kinh doanh xuất nhập khẩu một hoặc nhiều sản phẩm.

04 hoạt động cơ bản của hoạt động quản trị XNK bao gồm:

1. Nghiên cứu thị trường.

2. Tìm kiếm tệp khách hàng tiềm năng.

3. Giao dịch, đàm phán hợp đồng xuất nhập khẩu.

4. Tổ chức thực hiện theo đúng hợp đồng xuất nhập khẩu đã ký kết.

Các hoạt động trong quản trị xuất nhập khẩu
Nội dung trong quản trị XNK bao gồm có 4 hoạt động chính

2. Nội dung chính của quản trị xuất nhập khẩu

Theo các hoạt động thuộc chuỗi nêu trên, quản trị xuất nhập khẩu (XNK) gồm các nội dung cơ bản sau:

2.1 Nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường là bước đầu tiên trong hoạt động quản trị XNK. Dựa trên những xu hướng tiêu dùng, nhu cầu của khách hàng và tình hình cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ xây dựng được chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Ngoài ra, nghiên cứu thị trường trong chuỗi quản trị XNK sẽ cung cấp cho doanh nghiệp hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tình hình thị trường. Dựa vào thông tin này, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu hiện hữu của thị trường.

Hoạt động nghiên cứu thị trường xuất nhập khẩu bao gồm:

(1) Nghiên cứu thị trường trong nước: Gồm các hoạt động nghiên cứu mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cung cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh, nhu cầu khách hàng, xu hướng tiêu dùng,...

(2) Nghiên cứu thị trường ngoài nước: Nghiên cứu nguồn cung cấp hàng hóa trên thị trường quốc tế, nghiên cứu giá cả trên thị trường quốc tế, thuế quan, yếu tố pháp lý, chính trị, tỷ giá chuyển đổi tiền tệ, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh,...

2.2 Tìm kiếm khách hàng và đàm phán hợp đồng

Sau khi đã nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, doanh nghiệp cần tìm kiếm khách hàng tiềm năng phù hợp. Việc tiếp cận đúng đối tượng sẽ giúp tối ưu hóa cơ hội kinh doanh. Với từng phân khúc khách hàng, doanh nghiệp cần đưa ra những kế hoạch và chiến lược phù hợp nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh doanh.

Đồng thời, khi tiếp cận phân khúc khách hàng theo chiến lược và quy trình được phân công từ quản lý, đội ngũ nhân viên thực hiện tư vấn, đàm phán để đi đến giao dịch, ký kết hợp đồng chính thức.

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần thực hiện các giao dịch, tư vấn khách hàng và đàm phán hợp đồng. Do đó, kỹ năng đàm phán và kỹ năng giao tiếp là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công trong việc ký kết hợp đồng.

2.3 Soạn thảo, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu

Sau khi đã đàm phán hợp đồng thành công, bộ phận kinh doanh sẽ lấy các thông tin cần thiết để soạn thảo và ký kết hợp đồng cho khách hàng. Nội dung của hợp đồng phải được các bên đồng ý, thống nhất, dựa trên những nguyên tắc chung.

Lưu ý: Nếu có sự điều chỉnh nội dung hợp đồng, các bên có thể linh hoạt thay đổi các điều khoản nếu có sự đồng ý của bên còn lại.

Sau khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp cần soạn thảo hợp đồng chi tiết và chính xác để đảm bảo các bên sẽ thống nhất về các điều khoản trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, sự minh bạch trong hợp đồng sẽ giúp hợp đồng được đảm bảo tính pháp lý, hạn chế việc xảy ra các tranh chấp không đáng có, tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ kinh doanh bền vững trong tương lai.

2.4 Tổ chức thực hiện hợp đồng

Sau khi hợp đồng đã được các bên ký kết, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ, chính xác theo các điều khoản đã thỏa thuận. Quy trình xuất, nhập khẩu hàng hóa phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ theo quy định pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng.

Lưu ý: cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng và các yêu cầu đặc biệt khác của khách hàng để quá trình xuất nhập khẩu sau này diễn ra thuận lợi hơn.

Quản trị xuất nhập khẩu giúp các doanh nghiệp thích ứng dễ dàng hơn trong môi trường kinh doanh đầy biến động như hiện nay. Dựa trên các hoạt động quản trị XNK, doanh nghiệp có thể linh hoạt điều chỉnh hoạt động XNK của mình để phù hợp hơn với thị trường.

Yếu tố ảnh hưởng đến quản trị xuất nhập khẩu
Có 05 yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản trị XNK của Doanh nghiệp

3. Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quản trị xuất nhập khẩu

Nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp có thể tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động quản trị XNK. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ các yếu tố này để xây dựng chiến lược quản lý phù hợp cho doanh nghiệp mình.

(1) Biến động về tình hình kinh tế thị trường

Hoạt động xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động kinh tế trong nước và quốc tế như sự thay đổi về chính sách kinh tế, chính sách hải quan, thuế, tỷ giá hối đoái đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Do đó, mỗi Doanh nghiệp XNK cần chủ động theo dõi biến động kinh tế để điều chỉnh kế hoạch quản trị kịp thời.

(2) Chính sách của đối tác

Doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về mục tiêu và chính sách phát triển của đối tác kinh doanh trước khi tiến hành ký kết hợp tác. Nếu hai bên có cùng một tầm nhìn và chiến lược phát triển, rủi ro phát sinh trong quá trình hợp tác sẽ giảm thiểu đáng kể.

(3) Trình độ của nhà quản trị

Tầm nhìn và trình độ của nhà quản trị là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản trị xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Một nhà quản trị giỏi sẽ có tầm nhìn xa, và đưa ra các quyết sách đúng đắn. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và phát triển nhân sự để nâng cao năng lực quản trị. 

(4) Chính sách đãi ngộ nhân viên

Chính sách đãi ngộ hấp dẫn sẽ thu hút nhân lực, khuyến khích nhân viên cống hiến hết mình cho công việc. 

(5) Sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp

Việc đặt ra sứ mệnh và tầm nhìn rõ ràng sẽ giúp mọi hoạt động quản lý của doanh nghiệp, bao gồm cả quản trị xuất nhập khẩu được thực hiện theo đúng hướng. Sứ mệnh sẽ tập trung vào hiện tại, do đó, nó có thể thay đổi nếu thực sự cần thiết, để phù hợp với thị trường hoặc lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Vai trò của quản trị xuất nhập khẩu
Vai trò quan trọng của quản trị xuất nhập khẩu đối với Doanh nghiệp

4. Vai trò của quản trị xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp

Quản trị xuất nhập khẩu (XNK) đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển hoạt động thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp XNK. Dưới đây là 06 vai trò nổi bật nhất.

(1) Quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu: Quản trị xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa được cung cấp đúng thời gian, đúng số lượng và đúng chất lượng. Điều này giúp duy trì sự ổn định trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro.

(2) Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định pháp lý và hải quan: Việc hiểu và áp dụng đúng các quy định pháp lý, thuế quan, và các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất nhập khẩu là rất quan trọng để tránh những sai sót hoặc vi phạm có thể dẫn đến các khoản phạt hoặc trì hoãn trong việc giao hàng.

(3) Tối ưu hóa chi phí và giá trị: Quản lý tốt các yếu tố liên quan đến vận chuyển, kho bãi, thuế, và các dịch vụ liên quan sẽ giúp giảm chi phí xuất nhập khẩu, từ đó nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.

(4) Quản trị rủi ro: Các rủi ro trong xuất nhập khẩu, như biến động tỷ giá, thay đổi chính sách thương mại, hay các sự cố về vận chuyển, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Quản trị xuất nhập khẩu giúp nhận diện và đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro hiệu quả.

(5) Nâng cao khả năng cạnh tranh: Việc quản lý hiệu quả xuất nhập khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn cải thiện khả năng cung cấp hàng hóa đúng hạn, qua đó nâng cao sự hài lòng của khách hàng và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

(6) Xây dựng mối quan hệ với đối tác quốc tế: Quản trị xuất nhập khẩu giúp các doanh nghiệp xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng quốc tế, tạo nền tảng cho các cơ hội phát triển trong tương lai.

Nhiều trường Đại học tại Việt Nam hiện đang đào tạo Quản trị XNK
Nhiều trường Đại học tại Việt Nam hiện đang đào tạo ngành Quản trị XNK cho sinh viên

5. Học Quản trị xuất nhập khẩu ở đâu?

Tại Việt Nam, để theo chuyên ngành quản trị xuất nhập khẩu, sinh viên có thể tham gia đăng ký học tại các trường đại học nổi tiếng về đào tạo ngành quản trị và xuất nhập khẩu như:

1. Trường Đại học Ngoại thương

2. Trường Đại học Giao thông Vận tải - Hà Nội

3. Trường đại học Bách Khoa Hà Nội

4. Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM

5. Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam

6. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)

7. Đại học Thương mại -TMU

8. Trường Đại học Kinh tế (UEB) - Đại học Quốc Gia Hà Nội;...

Ngoài ra, để theo học nhanh quản trị xuất nhập khẩu, bạn có thể tham khảo một số trung tâm uy tín đào tạo chuyên ngành này. Trước khi đăng ký, bạn nên liên hệ trực tiếp với các trung tâm để tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo, lịch học và học phí, nhắm lựa chọn khóa học phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Quản trị xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bao gồm chuỗi các hoạt động liên quan mật thiết đến thương mại quốc tế, quản trị XNK góp phần đáng kể nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội phát triển tiềm năng.

Trên đây là những chia sẻ từ Hải quan điện tử ECUS về quản trị xuất nhập khẩu - một yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển bền vững. Ngoài ra, Doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan điện tử ECUS, xin vui lòng liên hệ tổng đài HTKH 📞1900 4767 – 1900 4768 để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết.

Thúy Nga

📅 Cập nhật gần nhất ngày 31/5/2025