Trang chủ Tin tức Hướng dẫn thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Bộ Tài chính

Hướng dẫn thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Bộ Tài chính

Bởi: ecus.net.vn - 06/12/2024 Lượt xem: 113 Cỡ chữ tru cong

Hoàn thuế xuất nhập khẩu là doanh nghiệp được hoàn lại số thuế do nộp nhiều hơn khoản phải nộp, hoặc không thuộc diện phải nộp, giúp cho người nộp thuế yên tâm tham gia các hoạt động xuất, nhập khẩu. Các trường hợp và thủ tục, hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.

 

Khi nào được hoàn thuế xuất nhập khẩu?

5 trường hợp hoàn thuế xuất nhập khẩu.

 

1. Trường hợp được hoàn thuế xuất nhập khẩu

 

Các trường hợp doanh nghiệp được hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 19, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, bao gồm:

 

(1) Người nộp thuế đã hoàn thành việc nộp thuế xuất nhập khẩu nhưng không có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc xuất khẩu, nhập khẩu ít hơn so với lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã thực hiện nộp thuế.

 

(2) Người nộp thuế đã nộp thuế xuất khẩu nhưng hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu.

 

(3) Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải thực hiện tái xuất: Được hoàn thuế nhập khẩu, không phải nộp thuế xuất khẩu.

 

(4) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tái xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã thực hiện xuất khẩu sản phẩm.

 

(5) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với sản phẩm là thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển, dụng cụ của các cá nhân, tổ chức được phép tạm nhập, tái xuất, trừ các trường hợp đi thuê nhằm thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu thuế quan.

 

Lưu ý:

 

- Số tiền thuế nhập khẩu được hoàn sẽ tính trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng, lưu lại tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa đã bị hết giá trị sử dụng sẽ không được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp.

 

- Không áp dụng hoàn thuế đối với trường hợp tiền thuế được hoàn dưới mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

 

- Hàng hóa thuộc đối tượng quy định tại trường hợp (1), (2) và (3) nêu trên được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công và chế biến.

 

>> Tham khảo: Khi nào dùng mã LOT trong xuất nhập khẩu?

 

2. Thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu

 

Hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu

Thủ tục, hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu.

 

Thủ tục, hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu chủ yếu áp dụng theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP:

 

2.1. Hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu

 

Trường hợp 1: Người nộp thuế đã nộp thuế xuất nhập khẩu nhưng không có hàng hoặc xuất khẩu, nhập khẩu ít hơn so với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã nộp thuế, hồ sơ gồm:

 

Công văn yêu cầu hoàn thuế theo Mẫu 01 Phụ lục VIIa hoặc Công văn yêu cầu hoàn thuế theo Mẫu 09 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Nộp 01 bản chính.

 

Trường hợp 2: Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm.

 

Hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp này bao gồm:

 

- Báo cáo tính thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu: Mẫu số 10 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

 

- Chứng từ thanh toán hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu đối với trường hợp đã hoàn thành thủ tục thanh toán: 01 bản chụp.

 

- Công văn yêu cầu hoàn thuế xuất nhập khẩu: Mẫu số 01 Phụ lục VIIa hoặc Mẫu số 09 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Nộp 01 bản chính.

 

- Hợp đồng gia công ký với khách hàng nước ngoài: 01 bản chụp.

 

- Hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu và hóa đơn, chứng từ theo hợp đồng đối với trường hợp mua, bán hàng hóa; Hợp đồng ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu ủy thác: 01 bản chụp.

 

- Tài liệu chứng minh có cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền sử dụng hoặc sở hữu với thiết bị, máy móc phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa: 01 bản chụp.

 

Trường hợp 3: Hoàn thuế đối với máy móc, dụng cụ, thiết bị, phương tiện vận chuyển của tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất.

 

Hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu bao gồm:

 

- Chứng từ thanh toán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp đã thanh toán: 01 bản chụp.

 

- Công văn yêu cầu hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Mẫu số 01 Phụ lục VIIa hoặc Mẫu số 09 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Nộp 01 bản chính.

 

- Hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu và hóa đơn, chứng từ theo hợp đồng đối với trường hợp mua, bán hàng hóa; Hợp đồng ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu ủy thác: 01 bản chụp.

 

>> Tham khảo: Hướng dẫn thủ tục xuất khẩu theo Luật Hải quan.

 

Trường hợp 4: Hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập, hồ sơ gồm:

 

- Chứng từ thanh toán hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu đối với trường hợp đã hoàn thành thủ tục thanh toán: 01 bản chụp.

 

- Công văn yêu cầu hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Mẫu số 01 Phụ lục VIIa hoặc Mẫu số 09 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Nộp 01 bản chính.

 

- Hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu và hóa đơn, chứng từ theo hợp đồng đối với trường hợp mua, bán hàng hóa; Hợp đồng ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu ủy thác: 01 bản chụp.

 

- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu trở lại do khách hàng từ chối nhận hàng hoặc không có người nhận hàng theo thông báo của hãng vận tải: Phải có thông báo của khách nước ngoài hoặc thỏa thuận với khách hàng nước ngoài về việc nhận lại hàng hóa và nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại hàng hóa trả lại.

 

- Đối với hàng hóa quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33, Nghị định 134/2016/NĐ-CP: Nộp thêm văn bản thông báo của doanh nghiệp bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế về việc giao cho người nhận thất bại: 01 bản chụp.

 

Trường hợp 5: Hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất.

 

Hồ sơ hoàn thuế gồm:

 

- Chứng từ thanh toán hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu đối với trường hợp đã hoàn thành thủ tục thanh toán: 01 bản chụp.

 

- Công văn yêu cầu hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Mẫu số 01 Phụ lục VIIa hoặc Mẫu số 09 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Nộp 01 bản chính.

 

- Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn thương mại: 01 bản chụp.

 

- Hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu và hóa đơn, chứng từ theo hợp đồng đối với trường hợp mua, bán hàng hóa; Hợp đồng ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu đối với trường hợp xuất nhập khẩu ủy thác: 01 bản chụp.

 

- Văn bản thông báo của doanh nghiệp bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh về việc không giao được cho người nhận đối với hàng hóa được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33, Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

 

- Văn bản thỏa thuận trả lại hàng hóa cho phía nước ngoài trong trường hợp xuất trả chủ hàng nước ngoài ban đầu đối với hàng hóa quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 34, Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

 

- Văn bản xác nhận của doanh nghiệp cung ứng tàu biển về số lượng, trị giá hàng hóa mua của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu cung ứng trên thực tế cho tàu biển nước ngoài kèm theo bảng kê đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 34, Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Phần mềm hóa đơn điện tử.

 

2.2. Các bước nộp hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu

 

Tùy theo từng trường hợp, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện theo các bước:

 

  • Bước 1: Người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế xuất nhập khẩu đến cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục hải quan.

 

  • Bước 2: Cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thông báo kết quả cho người nộp hồ sơ.

 

  • Bước 3: Ban hành quyết định hoàn thuế xuất nhập khẩu.

 

2.3. Hình thức nộp hồ sơ

 

Để nộp hồ sơ hoàn thuế, bạn có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp, trực tuyến hoặc qua Dịch vụ bưu chính.

 

>> Tham khảo: Chi phí Drop-off trong xuất nhập khẩu và cách tối ưu.

 

3. Thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu

 

Hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu

Thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu.

 

Thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế xuất nhập khẩu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, trực tuyến hoặc qua Dịch vụ bưu chính như sau:

 

- Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước: Chậm nhất 06 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế.

 

- Hồ sơ thuộc diện kiểm tra hoàn thuế: Chậm nhất 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế thông báo tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế.

 

- Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên (theo Thông tư 72/2015/TT-BTC và Thông tư 07/2019/TT-BTC): Không quá 01 ngày làm việc, cơ quan thuế phải ra quyết định hoàn thuế.

 

Trên đây là hướng dẫn thủ tục hoàn thuế xuất nhập khẩu theo các quy định của Bộ Tài chính. Có 05 trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế theo quy định.

 

Người nộp thuế cần lưu ý bộ hồ sơ tương ứng với 5 trường hợp này và thực hiện thủ tục hoàn thuế đúng quy định.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm khai báo hải quan ECUS, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://ecus.vn/